Nghẹt mũi, chảy mũi, hắt hơi vào buổi sáng luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa.
Việc thường xuyên hắt hơi vào buổi sáng có cần điều trị không? đây là điều quan tâm của nhiều người. Còn theo các chuyên gia y tế, muốn biết điều trị bệnh được hay không thì cần tùy thuộc vào nguyên nhân và các dấu hiệu kèm theo sổ mũi, ngạt mũi.
(Ảnh minh họa)
5 nguyên nhân gây nghẹt mũi khiến bạn không ngờ tới:
Do viêm mũi dị ứng
Buổi sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi, nếu không phải do cảm cúm, cảm lạnh thì một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nghẹt mũi vào buổi sáng là viêm mũi dị ứng. Những thứ thường gặp có thể gây dị ứng trong phòng ngủ là mạt bụi, nấm mốc và lông thú cưng.
Một tác nhân khác cũng có thể gây dị ứng, dẫn đến nghẹt mũi đó là phấn hoa. Phấn hoa thường xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn từ mùa xuân đến mùa thu hằng năm. Phấn hoa có thể theo những cơn gió đi vào phòng ngủ và gây nghẹt mũi.
Do nhiễm trùng xoang
Một số người cảm thấy khó chịu bởi tình trạng nghẹt mũi vào buổi sáng kèm theo đau hoặc nhức mặt, nước mũi đặc. Theo các bác sĩ, nguyên nhân có thể do bị nhiễm trùng, những bệnh nhiễm trùng này thường phát triển do cảm lạnh thông thường hoặc dị ứng, xảy ra khi vi khuẩn, virus hoặc nấm kích ứng các xoang, khiến chúng sưng lên và bị tắc nghẽn.
Hầu hết các bệnh viêm xoang sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Trong thời gian xảy ra tình trạng này, bạn có thể dùng các biện pháp tự nhiên chữa như súc mũi bằng nước muối sinh lý.
Do trào ngược axit
Trào ngược axit không chỉ gây kích ứng cổ họng mà còn có thể khiến bạn bị nghẹt mũi. Bởi vì trào ngược và các triệu chứng như ợ chua có thể xảy ra vào ban đêm, khi chúng ta đi ngủ. Do đó, bạn có thể nhận thấy nghẹt mũi nhiều nhất khi thức dậy vào buổi sáng.
Vì vậy, chúng ta nên tránh thức ăn gây trào ngược, kiêng ăn ít nhất 3 giờ trước khi ngủ và kê cao đầu giường để bạn không nằm thẳng khi ngủ đều có thể giúp hạn chế chứng ợ nóng và giảm bớt các triệu chứng liên quan.
Do thay đổi nội tiết
(Ảnh minh họa)
Viêm mũi có thể xảy ra do thay đổi nội tiết tố do mang thai, kinh nguyệt và sử dụng thuốc tránh thai. Điều này là do sự thay đổi nồng độ hormone có thể làm tăng sản xuất chất nhầy và gây ra những thay đổi trong màng nhầy, dẫn đến nghẹt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi. Sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến các triệu chứng dị ứng cả ngày. Bạn có thể bị nghẹt mũi vào buổi sáng do tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích trong khi ngủ.
Do nằm ngửa khi ngủ
Nếu bạn thức dậy bị nghẹt mũi mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác và đang xác định nguyên nhân, thì vị trí ngủ của bạn có thể là nguyên nhân.
Khi nằm ngửa, lượng máu chảy lên đầu và mũi sẽ nhiều hơn. Điều này làm cho niêm mạc mũi của chúng ta bị ứ đọng máu nhiều hơn bình thường và có thể dẫn đến tắc nghẽn mũi.
Phòng ngừa sổ mũi hắt hơi vào buổi sáng như thế nào?
Khi phát bạn thường xuyên gặp phải tình trạng này, cần nhanh chóng theo dõi, rà soát nguyên nhân gây ra để tiến hành biện pháp xử lý kịp thời, tránh để kéo dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
- Nếu nguyên nhân gây nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng: Cần tìm tác nhân dị nguyên gây dị ứng và làm sạch chúng bắt đầu từ phòng ngủ đến toàn bộ không gian sống. Một số biện pháp làm sạch dị nguyên: Hút bụi, thay ga chiếu, vỏ chăn, gối…, không cho vật nuôi vào phòng ngủ.
- Giữ nhiệt độ trong phòng ngủ đủ mát trong mùa Hè, đủ ấm trong mùa Thu Đông để buổi sáng khi vừa mới ngủ dậy không bị thay đổi thời tiết đột ngột gây hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường để tránh khói bụi, virus…
- Vệ sinh mũi hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh mũi. Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Nâng cao đầu giường từ 5-10 cm giúp giảm lượng axit trào ngược vào buổi tối.
- Tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng sáng ngủ dậy bị nghẹt mũi cũng như nhiều bệnh tật khác.
- Tăng cường bổ sung thêm nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để tăng đề kháng, giúp cơ thể được khỏe mạnh hơn.
- Nếu các triệu chứng dị ứng vào buổi sáng làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ vào ban đêm và nặng lên theo thời gian, bạn nên liên hệ bác sĩ để có biện pháp điều trị triệt để hơn.
Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn