Quả lê còn có tên bạch lê, tuyết lê, ngọc nhũ, khoái quả, mật phụ, sa lê. Từ lâu, quả lê được dùng trong y học như phương thuốc hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh.
Theo Đông y, quả lê có vị chua ngọt. Tác dụng sinh tân, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đàm. Dùng rất tốt cho người bị đàm nhiệt, âm hư: ho khan, khái huyết, sốt nóng, kích ứng vật vã, mất nước khát nước, người đái tháo đường, ho, sốt, nôn nấc, táo bón.
Về thành phần dinh dưỡng, cứ 100g lê có 86,5g nước; 0,1g lipid; 0,3g protein; 8g đường (levulose, fructose, glucose...); 1,6g chất xơ; 14mg Ca; 0,5mg Fe; 0,2mg vitamin PP; các vitamin nhóm B; betacaroten và acid malic, acid acetic.
Nhiều nghiên cứu chứng minh quả lê giúp hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp
Có rất nhiều nghiên cứu về công dụng quả quả lê, trong đó VnExpress đã đăng tải báo cáo nghiên cứu về lợi ích của lê tươi của viện Khoa học làm vườn và thảo dược quốc gia (Mỹ): Quả lê chứa lượng lớn hợp chất kháng viêm, giúp hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp, góp phần cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì, hỗ trợ phòng ung thư, tốt cho tim mạch.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện y tế quốc gia (Mỹ) cho thấy hàm lượng lớn flavonoid, triterpenoids và một số acid có trong vỏ quả lê tươi hỗ trợ điều trị giảm đau họng, dịu cơn ho...
Tập hợp các nghiên cứu trên 10 loại lê khác nhau tại Khoa y, trường Đại học Trung Quốc, cho thấy hợp chất này còn có tác dụng hỗ trợ chống viêm, ngăn bão cytokine cho bệnh nhân Covid-19. Trái cây cũng có thể giúp phòng ngừa chứng suy hô hấp cấp do tổn thương phổi (triệu chứng có thể gây suy đa cơ quan, tử vong cho bệnh nhân).
Theo tập hợp các báo cáo nghiên cứu tại Hàn Quốc, một số thành phần tự nhiên trong lê tươi hỗ trợ người bệnh dịu cơn tức ngực, dịu đường thở, góp phần tăng độ ẩm cho phổi, giúp mát tim. Khi bị viêm đường thở, lượng chất nhầy tăng gây nghẽn cho tiểu phế quản. Hợp chất luteoline có trong lê tươi có thể hỗ trợ giảm viêm, giúp giãn cơn co thắt của các tiểu phế quản này. Người bệnh sẽ bớt ho và dễ đẩy đờm ra khỏi đường thở hơn.
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Australia nhận thấy, nhóm quả lê và táo cũng hỗ trợ người bệnh hô hấp cải thiện chức năng phổi, bớt chứng hen suyễn... Lượng polyphenol và flavonoid có nhiều tiềm năng góp phần trong điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp, dị ứng đường hô hấp.
Khi bị nghẹt mũi, đau họng, ho hoặc có triệu chứng của cảm, cúm bạn có thể ăn một quả lê sẽ giúp giảm bớt khó chịu đường thở hơn.
5 món ăn bài thuốc từ quả lê
TS Nguyễn Đức Quang đã chia sẻ trên SKĐS về 5 món ăn bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ quả lê:
(Ảnh minh họa)
Nước ép lê: lê tươi 1-2 quả, ép nước, để tủ lạnh nửa ngày, uống dần ít một. Dùng tốt cho người nhiễm siêu vi trùng sốt nóng, mất nước, khát nước.
Hoặc: nước ép lê, uống nhiều lần từng ít một. Món này rất tốt cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.
Xi rô hạnh nhân nước ép lê: hạnh nhân (nhân hạt quả mận) 10g, lê 1 quả, đường phèn lượng thích hợp. Hạnh nhân giã nát, lê gọt vỏ thái lát. Hạnh nhân và lê cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn vào, khuấy đều. Thích hợp cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Lê hầm mật: lê 1kg, mật ong vừa đủ. Lê rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, ninh nhừ, cho mật ong vào, đun thành dạng cao, đựng trong lọ. Mỗi lần uống 2-3 thìa nhỏ với nước, hoặc nhai ngậm. Dùng rất tốt cho người bị sốt nóng dài ngày, mất nước, khát nước, đái tháo đường, ho ra máu.
Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần trong ngày (sáng, tối). Trị viêm phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê gọt vỏ, thái lát. Gạo vo sạch rồi nấu cháo, cháo chín cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều. Món này thích hợp cho người bị sốt nóng, kích ứng vật vã, khát nước, chán ăn.
8 lý do bạn nên ăn lê thường xuyên
Cung cấp năng lượng: nước ép của quả lê cung cấp cho bạn năng lượng chứa glucose. Đây là một trong những lợi ích sức khỏe của quả lê giúp cơ thể bạn có đủ năng lượng trong cả ngày.
Giảm cholesterol: lê chứa pectin có vai trò quan trọng trong việc làm giảm các cholesterol trong cơ thể. Sử dụng nước ép của quả lê sẽ mang lại những lợi ích vô cùng tốt cho cơ thể bạn.
Tốt cho ruột già: lê chứa rất nhiều vitamin và chất xơ, rất có lợi cho hệ thống tiêu hóa của bạn.
Ngăn ngừa táo bón: quả lê cũng giống như thuốc nhuận tràng. Nếu bạn sử dụng lê thường xuyên, chứng táo bón của bạn sẽ không bao giờ còn.
Kháng viêm: những người bị viêm như viêm khớp có thể sử dụng quả lê. Trong lê có hợp chất chống viêm giúp đẩy lùi những cơn đau và điều trị viêm hiệu quả.
Ổn định huyết áp: ăn lê thường xuyên giúp bạn điều trị được chứng cao huyết áp. Trong lê có chứa glutathione là một chất chống oxy hóa giúp bạn duy trì mức huyết áp ổn định.
Ngăn ngừa loãng xương: trong lê có chứa các boron, rất tốt cho việc chuyển hóa canxi trong cơ thể, giúp bạn có mật độ xương rắn chắc.
Tốt cho hệ miễn dịch: sử dụng lê thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch. Trong lê có chứa immunity, chất này khi vào cơ thể sẽ giúp hệ miễn dịch của bạn làm việc hiệu quả.
Lưu ý: Mặc dù quả lê tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều. Trung bình một ngày, đối với nam cần khoảng 35g chất xơ, nữ cần khoảng 25g chất xơ, do đó bạn chỉ cần ăn 1-2 quả lê mỗi ngày là vừa đủ, tốt cho sức khỏe.
Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn