Cậu bé 4 tuổi tại Đài Loan (Trung Quốc) được bố mẹ gửi sang bà ngoại chăm sóc do công việc quá bân rộn. Bà ngoại biết cháu thích ăn trứng luộc lòng đào nên đã lấy hết trứng trong nhà luộc cho cháu ăn. Khi cháu không ăn hết, bà cho vào tủ lạnh bảo quản trong vài ngày.
Không ngờ vài ngày sau, cậu bé ăn trứng trong tủ lạnh đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như suy nhược cơ thể và ngất xỉu. Bà ngoại hoảng sợ lập thức đưa cậu bé đến bệnh viện để cấp cứu. Thật không may, đã quá muộn và cậu bé đã qua đời.
(Ảnh minh hoạ)
Sau khi nắm rõ tình hình, bác sĩ cho biết nguyên nhân của vụ việc là do trứng luộc lòng đào để trong tủ lạnh quá lâu dẫn đến 1 lượng lớn vi khuẩn phát triển. Trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn Salmonella. Khả năng miễn dịch của trẻ tương đối yếu, một khi bị nhiễm vi khuẩn này, các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt và suy nhược toàn thân thường sẽ xảy ra trong vòng 8 đến 72 giờ. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ tử vong.
Theo Trung tâm an toàn thực phẩm thuộc Cục Vệ sinh thực phẩm và Môi trường (Trung Quốc), trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt dễ mắc các bệnh do thực phẩm, thường được gọi là ngộ độc thực phẩm và các biến chứng liên quan. Do hệ thống miễn dịch của chúng vẫn đang phát triển và chưa thể hoạt động như người lớn mặc dù axit dạ dày giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non nớt và sản sinh ra ít axit dạ dày hơn, điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn.
Những thực phẩm cần hạn chế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn
- Hải sản: Hải sản ăn sống (hàu, sò điệp, tôm, mực nang) hoặc nấu chưa chín (sushi, sashimi, cá hồi hun khói).
- Trứng luộc chưa chín kỹ, nước sốt salad, các món tráng miệng làm từ trứng sống.
- Thịt và nội tạng sống hoặc chưa chín kỹ (bít tết).
- Thịt đông lạnh, thịt nguội (giăm bông, xúc xích chưa nấu chín, pate…).
- Rau sống (xà lách, rau mầm…).
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ
1. Lựa chọn nguyên liệu: Lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng cao là chìa khóa để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Khi mua thực phẩm, hãy đọc kỹ thành phần và đảm bảo được đóng gói kỹ lưỡng, đồng thời tránh mua phải thực phẩm hết hạn sử dụng. Đối với rau quả tươi, chú ý rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và thuốc trừ sâu còn sót lại.
2. Vệ sinh: Rửa tay thường xuyên và giữ sạch sẽ khu vực nấu ăn trước khi xử lý thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sử dụng dụng cụ nấu ăn, thớt, đồ dùng sạch sẽ để tránh lây nhiễm chéo. Bình sữa và dụng cụ cho trẻ ăn phải được vệ sinh và khử trùng thường xuyên.
3. Tách riêng thực phẩm sống và chín: Trong quá trình bảo quản và nấu nướng nguyên liệu, thực phẩm sống và thực phẩm chín cần được tách biệt nghiêm ngặt. Thịt sống, thịt gia cầm và hải sản nên được bảo quản riêng biệt và tránh tiếp xúc với các nguyên liệu khác. Sử dụng thớt và dao riêng cho nguyên liệu sống và chín để tránh lây nhiễm chéo.
4. Nấu kỹ: Đảm bảo thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi được hâm nóng kỹ là điều quan trọng. Nấu chín thức ăn sẽ giết chết vi khuẩn, ký sinh trùng và virus. Sử dụng nhiệt kế để xác nhận thực phẩm đạt đến nhiệt độ bên trong an toàn, đặc biệt đối với các sản phẩm thịt và gia cầm. Tránh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn thức ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
5. Bảo quản đúng cách: Bảo quản thực phẩm là bước quan trọng trong việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm trong tủ lạnh cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, tránh để quá lâu. Thực hiện theo các hướng dẫn bảo quản thực phẩm để tránh thực phẩm bị hư hỏng và vi khuẩn phát triển.
Nguồn: Nguoiduatin.vn